Khi ổ bụng có dấu hiệu đau, nhói khó chịu, có dấu hiệu bất thường chúng ta thường dùng cụm từ “đau bụng” để chỉ triệu chứng này. Tuy nhiên, đau bụng có nhiều loại có thể do rối loạn tiêu hóa, đau bụng kinh, đau dạ dày, viêm ruột thừa…Với mỗi bệnh đau bụng sẽ có những dấu hiệu giống và khác nhau. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem các loại đau bụng này phân biệt như thế nào ở bài viết dưới đây nhé.
-
Đau bụng do đau dạ dày
Đau dạ dày có biểu hiện thường xuyên đau ở vùng thượng vị (vùng trên rốn), cảm giác đau có thể đau nhói, đau âm ỉ, kèm theo nóng rát, đau có thể lan ra xung quanh và sau lưng. Đau khi đói hoặc khi ăn quá no, đau nhiều hơn vào mùa đông, đặc biệt là khi sử dụng các thực phẩm kích thích dạ dày như: rượu, bia, thức ăn chua, cay nóng…
Ngoài triệu chứng đau vùng thượng vị thì người bị đau dạ dày còn có các biểu hiện đi kèm như: ợ chua, ợ hơi, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn hay ăn không ngon miệng, thể trạng giảm sút, bụng chướng đầy hơi,… tình trạng nặng có thể gặp biến chứng xuất huyết dạ dày, khi này cơn đau trở nên dữ dội, nôn ra máu, đi cầu phân đen.
-
Các loại đau bụng khác
- Đau bụng do viêm ruột thừa:
Viêm ruột thừa là tình trạng nguy hiểm, nếu không được phát hiện và mổ kịp thời có thể ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân. Bệnh nhân đau bụng âm ỉ ở vùng hố chậu phải, kèm theo đó là triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn bí đại và trung tiện, có khi đi phân lỏng và đặc biệt khi dùng đầu ngón tay ấn vào điểm ruột thừa McBurney thì rất đau,…
Tuy nhiên, nhiều trường hợp viêm ruột thừa có triệu chứng đau lan ra những vùng khác hoặc giảm nhạy cảm thì rất dễ nhầm lẫn, hoặc bệnh nhân thấy có biểu hiện đau bụng và uống thuốc giảm đau làm che lấp dấu viêm ruột thừa, đến khi vỡ ruột thừa gây đau bụng dữ dội phải cấp cứu
- Đau bụng do giun chui ống mật:
Giun chui ống mật có triệu chứng đau ở vùng thượng vị và hạ sườn phải với tính chất cơn đau là đột ngột, dữ dội và quằn quại, thường nằm co ôm bụng hoặc tư thế phủ phục (nằm chổng mông) để đỡ đau. Ngoài ra còn kèm theo triệu chứng buồn nôn, có khi nôn đến đắng miệng.
Đối với mỗi trường hợp sẽ có biểu hiện khác nhau, và dễ nhầm lẫn với viêm dạ dày, tắc ruột, lồng ruột.
- Đau bụng do Hành kinh:
Đau bụng khi hành kinh là biểu hiện sinh lý bình thường ở nữ giới. Đau bụng kinh thường ở vùng hạ vị hoặc hố chậu, đau nhẹ hoặc quằn quại kèm theo buồn nôn, thân nhiệt tăng, đau ngực. Nếu đau nhẹ thườn sau vài tiếng hoặc 1 ngày sẽ hết đau, nếu nặng, đau quằn quại, choáng váng thì cần được uống thuốc để giảm bớt
- Đau bụng do tắc ruột:
Đau ở vùng hồi mang trành hay còn gọi là hố chậu phải, vùng quanh rốn hoặc mạn sườn. Cơn đau đột ngột hoặc âm ỉ, đôi khi đau thắt dữ dội.
Vì ruột bị tắc nên khi áp lực trong lòng ruột tăng cao làm trào ngược dịch tiêu hóa gây nôn ói, nôn xong vẫn không giảm được đau. Ban đầu bệnh nhân có thể trung tiện hoặc đại tiện được, sau đó bí trung đại tiện.
- Đau bụng do viêm đại tràng mãn tính:
Đau bụng vị trí dưới rốn hoặc ngay rốn, 2 bên mạn sườn, hố chậu trái, biểu hiện đau âm ỉ kèm theo cảm giác muốn đi đại tiện, sau khi đi cảm giác đau giảm bớt nhưng rồi sẽ xuất hiện lại, thường gặp sau khi ăn, nhất là ăn hoặc uống những món có chất kích thích như rượu bia, cà phê, thức ăn tanh lạnh…
- Đau bụng do hội chứng ruột kích thích:
Triệu chứng đau tương tự như như viêm đại tràng, có kèm theo đầy hơi, phân sống, phân nát, táo bón hoặc tiêu chảy, muốn đi đại tiện lắt nhắt, cảm giác còn sót phân, thường hay trung tiện.
Đau bụng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, vì vậy đối với những trường hợp khởi phát cơn đau không rõ ràng thì không nên tự đoán bệnh mà cần sự thăm khám trực tiếp của bác sĩ và có thể cần làm thêm 1 số xét nghiệm chuyên khoa để chẩn đoán đúng bệnh.